Cuộc đời Dịch Huệ

Dịch Huệ sinh vào giờ Thìn, ngày 16 tháng 10 (âm lịch) năm Đạo Quang thứ 25 (tức ngày 15 tháng 11 năm 1845). Mẹ ông là Trang Thuận Hoàng quý phi. Ông là em trai cùng mẹ của Thuần Hiền Thân vương Dịch Hoàn và là chú của Quang Tự Đế[2].

Vào tháng 1 năm Đạo Quang thứ 30 (1850), Dịch Huệ được phong làm Phu Quận vương (孚郡王).[3] Phong hiệu ["Phu"] của ông có Mãn văn là 「unenggi」, ý là "Thành thực". Ông được cho phép đội mũ thắt nút nhung màu đỏ, và triều phục Mãng bào đều dùng màu kim hoàng[4]. Sau khi Hàm Phong Đế lên ngôi, Dịch Huệ hai lần được "Yến kiến không cần khấu bái, tấu sự không cần thư danh".[Chú 1]

Năm Đồng Trị thứ 3 (1864), tháng 4, ông phân phủ, được phép hành tẩu trong nội đình,[5] tiếp tục đọc sách trong Thượng thư phòng.[Chú 2] Tháng 7, ông quản lý Nhạc bộ, tháng 10, ông được cử làm Tổng tộc trưởng Chính Bạch kỳ.[5]

Năm thứ 4 (1865), tháng 3, ông quản lý các công việc của Võ Anh điện và Chính Lam kỳ Giác La học.

Năm thứ 10 (1871), tháng 6, nhậm Nội đại thần. Tháng 9 năm sau (1872), ông được ban hàm Thân vương.[3] Tháng 9 năm Đồng Trị thứ 13 (1874), ông được ban thưởng mặc Hoàng mã quái.

Năm Quang Tự nguyên niên (1875), ông nhậm chức Đô thống Hán quân Chính Lam kỳ.[1]

Ngày 8 tháng 2 năm Quang Tự thứ 3 (tức ngày 22 tháng 3 năm 1877), Dịch Huệ qua đời ở tuổi 33, được truy thụy Kính (敬),[6] tức Đa La Phu Kính Quận vương (多罗孚敬郡王).[5]

Dịch Huệ được an táng tại làng Thảo Hán, thị trấn Tô Gia Đà, quận Hải Điến, Bắc Kinh. Lăng mộ của ông thường được gọi là "Cửu Vương phần".[1]